Mục lục bài viết
Để tránh bị xử phạt hành chính thì trong một số trường hợp chủ đầu tư phải thực hiện xin Giấy phép xây dựng nhà ở trước khi bắt đầu khởi công. Vậy thủ tục xin Giấy phép xây dựng như thế nào? Chi phí ra sao? Trong bài viết này, Luật Gia Khang sẽ chia sẻ thủ tục xin Giấy phép xây dựng mới nhất 2024 để bạn tham khảo.
Các trường hợp nhà ở phải xin giấy phép xây dựng
Căn cứ theo khoản 30 của Điều 1 Luật Xây dựng được sửa đổi năm 2020, các trường hợp sau đây đều phải có giấy phép xây dựng trước khi bắt đầu xây dựng:
- Nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị, trừ trường hợp nhà ở có quy mô nhỏ hơn 7 tầng và thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được phê duyệt theo quy hoạch chi tiết 1/500 của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn với quy mô nhỏ hơn 7 tầng nhưng nằm trong khu vực được quy hoạch làm khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn nhưng được xây dựng bên trong khu vực bảo tồn hoặc khu vực di tích lịch sử – văn hóa.
- Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn với quy mô từ 7 tầng trở lên.
Xem thêm: Xây Nhà Tạm Có Phải Xin Giấy Phép Không? Thủ Tục Thế Nào?
Hồ sơ làm thủ tục xin phép xây dựng nhà ở
Bạn cần chuẩn bị 2 bộ hồ sơ làm thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở để nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 46 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP, thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (theo Mẫu số 01)
- Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo luật đất đai.
- 2 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy cùng bản vẽ thẩm duyệt trong các trường hợp cần thiết theo pháp luật, bao gồm: Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất cùng với sơ đồ vị trí của công trình; Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt cắt và mặt đứng của công trình xây dựng; Bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng kèm sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở bên ngoài công trình như cấp, thoát nước, cấp điện. Trong trường hợp có công trình liền kề thì cần phải có bản cam kết bảo đảm an toàn cho công trình liền kề đó.
Lưu ý: Mẫu bản vẽ thiết kế sẽ được công bố bởi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hộ gia đình, cá nhân có thể tham khảo khi tự lập thiết kế xây dựng, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương.
Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở
Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở bao gồm các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư (có thể là hộ gia đình hoặc cá nhân) tiến hành nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của UBND cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Nhân viên tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ.
- Nếu hồ sơ đầy đủ và đúng quy định thì nhân viên tiếp nhận sẽ lập giấy biên nhận và trả lại cho người nộp.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không đúng thì nhân viên tiếp nhận sẽ hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Bước 4: Trả kết quả
Thời hạn giải quyết không được vượt quá 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Trong trường hợp cần thêm thời gian xem xét, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do nhưng không được vượt quá 10 ngày sau khi hết thời hạn.
Lệ phí xin giấy phép xây dựng
Lệ phí xin giấy phép xây dựng nhà ở do Hội đồng nhân dân tại các tỉnh, thành quy định nên sẽ có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành.
Mức phạt khi không có giấy phép xây dựng
Dựa trên quy định tại Điều 16 của Nghị định 16/2022/NĐ-CP, các trường hợp không có giấy phép xây dựng nhà ở nhưng cần phải có sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 60.000.000 – 80.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.
- Phạt tiền từ 80.000.000 – 100.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn hoặc các công trình xây dựng khác.
- Phạt tiền từ 120.000.000 – 140.000.000 đồng đối với trường hợp xây dựng công trình đòi hỏi phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư.
Xem thêm: Sửa Nhà Có Cần Xin Giấy Phép Không? Thủ Tục Ra Sao?
Các trường hợp nhà ở được miễn giấy phép xây dựng
Theo quy định tại khoản 30 của Điều 1 Luật Xây dựng được sửa đổi năm 2020, các trường hợp sau đây được miễn giấy phép xây dựng:
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn 7 tầng nằm trong dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (tuy nhiên, thời điểm khởi công cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền).
- Nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn có quy mô nhỏ hơn 7 tầng và nằm trong khu vực không được quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhà ở riêng lẻ tại miền núi và hải đảo trong khu vực không có quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch xây dựng khu chức năng.
Trên đây là những thông tin về thủ tục xin Giấy phép xây dựng mà Luật Gia Khang muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng bạn có thể chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tiến hành theo đúng các bước theo quy định của pháp luật để nhanh chóng được cấp Giấy phép xây dựng nhà ở.
Tham khảo:
Dịch Vụ Xin Giấy Phép Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Nhanh Chóng