Mục lục bài viết
Các quy định về việc xử phạt an toàn thực phẩm đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo rằng các cơ sở chế biến, sản xuất và phân phối thực phẩm thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn. Trong bài viết này, hãy cùng Luật Gia Khang tìm hiểu quy định về mức xử phạt an toàn thực phẩm mới nhất hiện nay.
An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm là gì?
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010, khái niệm về an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm được định nghĩa như sau:
- An toàn thực phẩm đề cập đến việc đảm bảo thực phẩm không gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của con người.
- Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra khi người dùng tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc chứa các chất độc hại.
Quy định về mức xử phạt an toàn thực phẩm
Trong trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm thì hình thức xử lý sẽ được xác định dựa trên tính chất và mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Các đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, nếu gây ra thiệt hại, họ còn phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 6 của Luật An toàn thực phẩm 2010, quy định về xử phạt an toàn thực phẩm cụ thể như sau:
- Tổ chức và cá nhân kinh doanh, sản xuất thực phẩm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo mức độ vi phạm, có thể là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu có thiệt hại thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường và khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật.
- Những người lợi dụng chức vụ hay quyền hạn để vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 hoặc các quy định pháp luật liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm. Trong trường hợp gây thiệt hại, họ cũng phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Mức phạt tiền đối với các vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu mức phạt tối đa theo quy định còn thấp hơn bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm thì thì mức phạt sẽ không vượt quá bảy lần giá trị của thực phẩm vi phạm. Số tiền thu được từ việc vi phạm sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (đã được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP), các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt chính bằng hình thức phạt tiền.
Dựa trên tính chất và mức độ vi phạm, các cá nhân và tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng 1 hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài các hình thức xử phạt chính và bổ sung, cá nhân và tổ chức vi phạm còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100.000.000 VND đối với cá nhân và 200.000.000 VND đối với tổ chức, ngoại trừ các trường hợp được quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 5 Điều 6; khoản 6 Điều 5; khoản 7 Điều 11; các khoản 1 và 9 Điều 22; khoản 6 Điều 26 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Vi phạm hình sự về an toàn thực phẩm
Theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được chia thành bốn khung hình phạt:
Khung 1: Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 VND – 200.000.000 VND hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm nếu thực hiện các hành vi sau:
- Sử dụng các chất, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm khi đã biết là bị cấm hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, với sản phẩm trị giá từ 10.000.000 VND đến dưới 100.000.000 VND hoặc đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này và chưa được xóa án tích.
- Dùng động vật chết do bệnh, dịch bệnh, hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định để chế biến thực phẩm, hoặc bán thực phẩm biết rõ có nguồn gốc từ các động vật này, với trị giá sản phẩm từ 10.000.000 VND đến dưới 100.000.000 VND, hoặc đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này và chưa được xóa án tích.
- Sử dụng các chất chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm, với trị giá sản phẩm từ 100.000.000 VND đến dưới 300.000.000 VND, hoặc từ 50.000.000 VND đến dưới 100.000.000 VND nhưng đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này và chưa được xóa án tích.
- Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm biết rõ có sử dụng các chất cấm hoặc ngoài danh mục được phép, với trị giá sản phẩm từ 10.000.000 VND đến dưới 100.000.000 VND, hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 VND đến dưới 20.000.000 đồng, hoặc đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này và chưa được xóa án tích.
- Nhập khẩu, bán hoặc cung cấp thực phẩm biết rõ có sử dụng các chất chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, với trị giá sản phẩm từ 100.000.000 VND đến dưới 300.000.000 VND, hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 VND đến dưới 100.000.000 VND, hoặc đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án về hành vi này và chưa được xóa án tích.
- Thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cung cấp, chế biến hoặc bán thực phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, gây ngộ độc nghiêm trọng cho từ 5 – 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% – 60%.
Khung 2: Hình phạt từ 200.000.000 VND – 500.000.000 VND hoặc phạt tù từ 3 – 7 năm được áp dụng nếu:
- Phạm tội có tổ chức.
- Gây chết người.
- Gây ngộ độc nghiêm trọng cho từ 21 – 100 người.
- Gây tổn hại sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc cho 2 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương từ 61% – 121%.
- Thực phẩm sử dụng chất, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm hoặc ngoài danh mục được phép, trị giá từ 100.000.000 VND đến dưới 300.000.000 VND hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 VND đến dưới 100.000.000 VND.
- Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy, trị giá từ 100.000.000 VND đến dưới 300.000.000 VND.
- Thực phẩm sử dụng các chất chưa được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam, trị giá từ 300.000.000 VND đến dưới 500.000.000 VND hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 VND đến dưới 200.000.000 VND.
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu:
- Gây chết 2 người.
- Gây ngộ độc nghiêm trọng cho từ 101 – 200 người.
- Gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương từ 122% – 200%.
- Thực phẩm sử dụng chất, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm hoặc ngoài danh mục được phép, trị giá từ 300.000.000 VND đến dưới 500.000.000 VND hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 VND đến dưới 300.000.000 VND.
- Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy, trị giá từ 300.000.000 VND đến dưới 500.000.000 VND.
- Thực phẩm sử dụng chất, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam, trị giá từ 500.000.000 VND đến dưới 1.000.000.000 VND hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 VND đến dưới 500.000.000 VND.
Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu:
- Gây chết 3 người trở lên.
- Gây ngộ độc nghiêm trọng cho 201 người trở lên.
- Gây tổn hại sức khỏe cho 3 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương từ 201% trở lên.
- Thực phẩm sử dụng chất, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bị cấm sử dụng hoặc nằm ngoài danh mục được phép, trị giá từ 500.000.000 VND trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 VND trở lên.
- Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy, trị giá từ 500.000.000 VND trở lên.
- Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam, trị giá từ 1.000.000.000 VND trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 VND trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 VND đến 100.000.000 VND và cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ TỪ CHUYÊN GIA
Trên đây là các thông tin về quy định xử phạt an toàn thực phẩm mà Luật Gia Khang muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về các quy định pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm và các hình thức xử phạt đối với những hành vi vi phạm.
Tham khảo:
Dịch Vụ Xin Giấy Phép Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Nhanh Chóng
Thủ Tục Làm Giấy Phép Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Nhà Hàng